Sai lầm cần tránh khi đàm phán lương với sếp
Người sử dụng lao động có thể không trả mức lương cao hơn cho bạn theo thời gian làm việc nhưng vẫn có nhiều cách để tạo điều kiện cho người lao động có cuộc sống thoải mái hơn.
Trong nền kinh tế khó khăn hiện nay, không ít ứng viên cảm thấy may mắn khi nhận được một lời mời làm việc từ nhà tuyển dụng. Họ thậm chí vui mừng quá mức, nhất là với những ai phải trải qua một khoảng thời gian dài thất nghiệp và lang thang tìm việc đầy gian nan. Vì thế, họ thường tỏ ra hào hứng và chấp nhận ngay với đề nghị của nhà tuyển dụng mà không nghĩ đến việc đàm phán mức lương. cứ chấp nhận mức mà nhà tuyển dụng đưa ra và tự hài lòng vì đã có việc làm.
Tuy nhiên, đàm phán lương là một vấn đề quan trọng và bạn không nên bỏ qua, bất kể là ở vị trí nào. Bởi đây là lúc quyết định mức thu nhập lâu dài cho cuộc sống của bạn.
Trong cuốn sách “Next-Day Job Interview”, Michael Farr và Dick Gaither khuyên rằng, ứng viên không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của khâu đàm phàn lương trong quá trình tìm việc. Họ phân tích một dẫn chứng sau:
– 18 tuổi, tốt nghiệp PTTH, bạn đàm phán mức lương 21.000 USD/năm thay vì chấp nhận mức 20.000 USD/năm theo đề nghị của nhà tuyển dụng.
– Trung bình, bạn được tăng lương với mức 3%/năm.
– Bạn làm việc suốt 50 năm, khoảng thời gian phổ biến trong cuộc đời người lao động hiện nay.
– Kết quả là, với việc thương lượng thêm 1.000 USD/năm, bạn có thêm ít nhất là 112.000 USD trong suốt quá trình làm việc so với việc chấp nhận mức lương 20.000/năm mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Đó là một sự khác biệt lớn, bạn sẽ không nói là 1.000 USD/năm không có gì khác biệt được nữa bởi giá trị của nó tăng lên đáng kể theo thời gian. Đây cũng là lý do tại sao việc đàm phán lương lại quan trọng, giúp bạn có thêm cơ hội chứ không phải bỏ qua nó để có được việc làm nhanh hơn.
Với suy nghĩ đó, Farr và Gaither đưa ra một số lời khuyên, giúp ứng viên tránh sai lầm khi đàm phán lương với nhà tuyển dụng:
– Giả vờ hài lòng
Nếu vì sợ mất lòng nhà tuyển dụng hoặc lo lắng người ta nghĩ rằng mình tham lam mà không dám đàm phán về mức lương cũng như quyền lợi liên quan thì bạn đang phạm sai lầm nghiêm trọng. Farr và Geither cho rằng, “hơn 80% người sử dụng lao động chỉ đến khi ứng viên đàm phán về mức lương, phụ cấp, thời gian, địa điểm làm việc, thời gian nghỉ ngơi… họ mới đáp ứng thêm”. Vì thế, nếu bạn không yêu cầu, đương nhiên, chẳng bao giờ bạn có được những đặc quyền ấy.
Bởi vậy, đừng bao giờ tỏ ra hài lòng với đề nghị của nhà tuyển dụng, mặc nhiên chấp nhận những quyền lợi họ đưa ra vì như thế, bạn đã nghiễm nhiên bỏ qua một giai đoạn quan trọng đem đến nhiều lợi ích cho mình.
– Từ bỏ quá nhanh
Chỉ vì bạn đã nói không đàm phán nữa điều đó không có nghĩa là bạn phải dừng hoàn toàn việc trao đổi thêm về quyền lợi cho bản thân. Theo Farr và Gaither, đôi khi, nói không chỉ là mới bắt đầu cho một quá trình, chứ không phải là kết thúc. Cũng như người bán hàng, đôi khi khách bảo không mua nữa, nhưng họ cũng phải tìm cách thuyết phục để có thể bán được hàng. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn, kiên trì mới đến được thành công.
– Chấp nhận quá sớm
Vội vàng đồng ý mức lương nhà tuyển dụng đưa ra sẽ khiến bạn mắc sai lầm đáng tiếc. Nên nhớ, người phỏng vấn luôn đề nghị một mức lương thấp hơn đáng kể so với mức lương họ dự tính trả cho vị trí bạn ứng tuyển. Họ thường trì hoãn khâu đàm phán mức lương mong đợi với ứng viên để đến lúc, mọi yếu tố khác đã trao đổi xong, ứng viên không muốn kéo dài thêm quá trình phỏng vấn nữa và chấp nhận ngay mức mà họ đưa ra. Thế nhưng, nếu đàm phán, nhiều khả năng bạn sẽ được hưởng mức thu nhập tốt hơn.
– Đàm phán chỉ chăm chăm vào tiền
Người sử dụng lao động có thể không trả mức lương cao hơn cho bạn theo thời gian làm việc nhưng vẫn có nhiều cách để tạo điều kiện cho người lao động có cuộc sống thoải mái hơn.
Bởi vậy, khi đàm phán, bạn đừng chỉ chăm chăm vào đòi tăng tiền lương. Nếu cảm thấy việc đòi hỏi về tiền là khó khăn thì bạn nên nghĩ đến việc thương lượng thời gian làm việc, giờ giấc nghỉ ngơi cũng như điều kiện làm việc, phụ cấp đi lại…
Leave a Reply