Tìm hiểu “cơn khát” nhân lực ngành công nghệ thông tin hiện nay
Được biết từ năm 2009, Trung tâm SKT-SSU dự kiến tuyển sinh 160 sinh viên, chia làm hai khóa học, mỗi khóa kéo dài 6 tháng với 80 sinh viên và số lượng này có thể sẽ tăng
“Cơn khát”
Dự án hàng tỉ USD của Intel “đổ bộ” vào Việt Nam và dự kiến đến năm 2012 Intel Việt Nam sẽ cần 4.000 nhân viên trong đó phần lớn là những vị trí liên quan đến CNTT.
Trong cuộc thi khởi nghiệp “Thách thức 20 triệu USD” do Mekong Capital tổ chức có một phần rất lớn các dự án khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực CNTT; trên các trang web tuyển dụng, nhu cầu nhân sự CNTT luôn ở mức cao, đặc biệt là các vị trí quan trọng. Khu công viên phần mềm Quang Trung, khu Công nghệ cao TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn những nơi này sẽ sớm biến thành “Silicon Valley” của Việt Nam với các dự án đầu tư quy mô lớn.
Giới chuyên môn cho rằng thị trường lao động đang ở “cơn khát” nhân sự CNTT và không biết đến bao giờ mới được “giải”. Dù các trung tâm đào tạo ngắn hạn về CNTT được mở ra ngày càng nhiều, lượng sinh viên tốt nghiệp từ các khoa CNTT của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước cũng rất lớn nhưng vẫn không đủ bù vào lỗ hổng nguồn nhân lực.
Anh Tấn Trung – một kỹ sư tin học ở Mỹ dự định mở công ty phát triển phần mềm tại Việt Nam, với “đầu ra” chính là công ty mà anh đang làm việc – nơi có nhu cầu gia công phần mềm rất lớn. Mọi việc diễn ra suôn sẻ trừ vấn đề nhân sự, anh cho biết “rất khó tìm người giỏi trong lĩnh vực này dù lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm rất nhiều. Chấp nhận trả lương cao nhưng cũng khó tìm người giỏi”. Anh Trần Ngọc Thi cũng dự định sau khi tích lũy được một số vốn từ quá trình làm việc tại Nhật Bản sẽ về Việt Nam lập công ty phần mềm nhưng vẫn lo ngại về vấn đề nguồn nhân lực. Rất nhiều công ty hiện đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam cũng cùng chung tình trạng này.
Một mô hình hay
Lương Đình Hùng – sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội đang “nhắm nhe” vào những vị trí hàng đầu tại các công ty tin học. Hùng cho biết vừa giành được học bổng toàn phần trị giá 10.000 USD để theo học trong vòng 6 tháng tại trung tâm đào tạo CNTT SKT – SSU (hợp tác giữa tập đoàn SKT và Trường ĐH Soongsil – Hàn Quốc, Công ty SK C&C và Trung tâm Đào tạo CNTT TPHCM – ITTI). Sau vòng xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn bằng tiếng Anh, Hùng là 1 trong số 40 học viên đầu tiên của trung tâm và được xét cấp học bổng toàn phần.
Hùng tự tin cho biết: “Đây là chương trình đào tạo CNTT được thiết kế bởi trường ĐH Soongsil – một trong những trường đại học hàng đầu tại Hàn Quốc trong lĩnh vực đào tạo CNTT. Chương trình kéo dài trong 6 tháng với những môn học về ngôn ngữ lập trình Java, Oracle, Unix… và được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sau khi học xong, có thể tiếp tục xin học bổng tại ĐH Soongsil và được thực tập tại SKT và các công ty lớn ở Hàn Quốc”.
Được biết từ năm 2009, Trung tâm SKT-SSU dự kiến tuyển sinh 160 sinh viên, chia làm hai khóa học, mỗi khóa kéo dài 6 tháng với 80 sinh viên và số lượng này có thể sẽ tăng lên do quy mô của trung tâm ngày càng phát triển và nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT ngày càng tăng.
Tất cả công dân Việt Nam dưới 32 tuổi có trình độ Anh ngữ và kiến thức công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu đều có thể nộp đơn xét tuyển. Tổng học phí SK Telecom hỗ trợ cho mỗi học viên lên đến hơn 10.000 USD. SKT-SSU sẽ tổ chức thi tuyển dựa trên đơn xin nhập học và kết quả phỏng vấn để chọn ra các học viên phù hợp.
Du học tại chỗ miễn phí, vừa học vừa làm, đào tạo CNTT song song với ngoại ngữ… là một mô hình hay, hỗ trợ thiết thực cho nguồn nhân lực CNTT hiện còn yếu hiện nay.
Leave a Reply