Đánh giá ứng viên qua bài kiểm tra tính cách đơn giản
Tưởng có thể yên tâm với những biện pháp đánh giá nhân sự mới, nhưng sau nhiều cuộc nghiên cứu tâm lý nhân sự,
Vẫn biết khả năng và thái độ lao động của mỗi cá nhân đều khác nhau, có người làm việc rất chăm chỉ, tạo ra nhiều sản phẩm, có người thì không. Để đánh giá một cách có hệ thống lý do gây nên sự khác biệt này, khi ngành quản lý nhân sự và phân tích tâm lý phát triển, người ta mới tìm ra cách thực hiện.
Các nhà tuyển dụng cho rằng thành quả lao động khác nhau ở mỗi người cơ bản là do tính cách cá nhân. Bên cạnh đó, yếu tố khác không kém phần quan trọng là khuynh hướng phản hồi của mỗi cá nhân đối với các tình huống khác nhau. Từ những năm 1950, các nhà quản lý nhân sự đã cố gắng đánh giá một cách có hệ thống và chính xác ứng viên cho vị trí cần tuyển dụng hoặc đề bạt thăng tiến. Sears, Roebuck và Standard Oil of California là hai công ty tiên phong trong việc nghiên cứu và xây dựng nhiều biện pháp kiểm tra nhân sự. Công ty Procter & Gamble còn phát triển hệ thống đánh giá riêng, giúp dự đoán tiềm năng phát triển của mỗi ứng viên ngay từ đầu, xem ai có khả năng vươn lên vị trí hàng đầu công ty.
Thay vì đánh giá năng lực làm việc, thông qua cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường nghiên cứu tính cách ứng viên bằng nhiều câu hỏi về cuộc sống gia đình, hoạt động xã hội và kinh nghiệm sống của họ. Tập đoàn General Electric nổi tiếng về hệ thống đánh giá tâm lý nhân viên theo từng bậc trong quá trình sàng lọc nhân sự để đào tạo họ thành nhà quản lý. Các chuyên viên tâm lý và giám đốc nhân sự được mời phối hợp thiết kế hệ thống kiểm tra này. Bắt đầu từ năm 1954, khoảng 63% công ty lớn đã sử dụng các bài kiểm tra khi tuyển dụng nhân sự. Có tới 25% công ty dùng kết quả đánh giá tính cách trước khi quyết định đề bạt một nhân viên nào đó vào vị trí quản lý.
Một số chuyên viên tâm lý nghi ngờ tính chính xác của việc dự đoán khả năng cống hiến cho nhân viên thông qua kiểm tra tính cách. Đến đầu những năm 1960, các nhà nghiên cứu nhất trí rằng tính cách không phải là căn cứ chính xác để đánh giá năng lực lao động. Trong vòng một thập niên tiếp theo, những bài kiểm tra tính cách nhân sự dần dần không còn được sử dụng.
Tuy nhiên, vào những năm 1990, các cuộc nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của tính cách tới hiệu quả công việc lại thu hút sự quan tâm của giới quản lý nhân sự. Dựa trên những biện pháp mới, các nghiên cứu này phát hiện ra thiếu sót của những bài kiểm tra đánh giá tính cách trước đây. Theo các nghiên cứu, điểm chính yếu quyết định sự thành công trong sự nghiệp của mỗi người chính là sự tận tâm. Nhiều dạng bài kiểm tra khác nhau đã được thiết lập, tùy theo đặc trưng của từng công việc. Không chỉ đánh giá tính cách của ứng viên, thông qua kết quả kiểm tra, nhà tuyển dụng còn có thể xem xét khả năng hòa hợp của ứng viên với văn hóa công ty mình.
Tưởng có thể yên tâm với những biện pháp đánh giá nhân sự mới, nhưng sau nhiều cuộc nghiên cứu tâm lý nhân sự, nhóm tác giả Frederick P. Morgeson, Michael A. Campion, Robert L. Diboye, John R. Hollenback, Kevin Murphy và Neal Schmitt đã xuất bản quyển sách Nghiên cứu lại tính chính xác của việc đánh giá nhân sự thông qua bài kiểm tra. Theo đó, kết quả kiểm tra thường không chính xác vì phần lớn ứng viên không hoàn toàn trung thực khi trả lời bảng câu hỏi. Họ chọn các đáp án mà theo họ phù hợp với yêu cầu công việc.
Cuối cùng, sau những quan niệm thay đổi liên tục từ năm 1960 đến nay, đã có mối liên hệ thật sự nào giữa tính cách và hiệu quả lao động? Liệu các bài kiểm tra tính cách có thật sự chính xác? Câu trả lời thích hợp nhất hiện nay có lẽ là: Hãy đánh giá ứng viên ở mọi khía cạnh có thể, đừng chỉ tập trung vào tính cách của họ.
Leave a Reply