Khởi nghiệp từ nguồn vốn nhỏ như thế nào?

Nếu không thể cạnh tranh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì có thể bắt đầu khởi nghiệp tại các thành phố, tỉnh lẻ. Nếu sản phẩm, dịch vụ không phù hợp với đối tượng


Khi quyết định khởi nghiệp và trở thành 1 start-up, bạn sẽ phải đối mặt với hàng loạt thử thách mà trước đó bạn chưa từng biết. Và hầu hết các start-up đều khởi nghiệp từ nguồn vốn nhỏ nên sẽ phải chuẩn bị tâm lý đối diện với với những cuộc chiến không hề dễ chịu.

Cuộc chiến với chính bản thân bạn

Bạn đã sẵn sàng chiến đấu với vô vàn thói hư tật xấu trong bạn và thử thách đến với bạn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, nhẫn nhục, từ bỏ những thú vui hao phí thân tâm, của cải thường ngày để tập trung hoàn thiện rèn dũa phát triển bản thân ngày càng tốt đẹp hơn để xứng đáng là một trong những người chủ chốt dẫn dắt một công ty ngày càng thêm lớn mạnh không?

Nhiều người thường nghĩ những doanh nhân thành công, nổi tiếng như Warren Buffett, Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Bill Gates… là họ sinh ra và lớn lên đã giỏi sẵn rồi và cứ như vậy làm kinh doanh. Sự thật là bất cứ ai cũng phải liên tục phát triển, đóng góp để xây dựng bản thân và sự nghiệp. Nhưng vì hầu hết chúng ta chỉ biết đến những gương doanh nhân qua những bài báo, sự kiện hào nhoáng nên khó thấu hiểu được sự đánh đổi bao công sức, lao tâm khổ trí của những con người này để liên tục tiến bộ, vượt qua giới hạn hiện tại, đạt được thành tựu ngày càng to lớn và viên mãn hơn.

Một điều chắc chắn là những tấm gương sáng về thành công, họ không ngừng làm việc, học tập, tiếp thu, rèn luyện và họ thật sự yêu thích những công việc đó không chỉ vì bản chất chuyên môn của công việc mà cả những ích lợi, giá trị công việc họ làm mang lại cho xã hội, cộng đồng và chính bản thân họ.

Đấu tranh với người thân, gia đình

Gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ luôn mong muốn con cái thành danh, thành tài để được cảm thấy tự hào, mãn nguyện, nở mặt nở mày với người thân, họ hàng, bạn bè rằng công lao mấy chục năm nuôi con khó nhọc nay đã đơm hoa kết trái, để cảm thấy được đền đáp xứng đáng. Nên các bậc phụ huynh thường mong con cái làm những công việc hay được mặc định là cao quý như giáo viên, kỹ sư, bác sĩ… Điều này gây trở ngại không ít cho nhiều bạn vốn không có duyên với các ngành nghề ấy.

Mong muốn của cha mẹ xuất phát từ lòng thương là muốn con cái làm công việc nhàn hạ, dễ dàng nhưng lương thưởng, bổng lộc ưu ái. Tuy nhiên chẳng có công việc nào nhàn hạ, dễ dàng mà phần thưởng cao, nếu có thì nhiều người đã tranh nhau làm rồi. Như vậy sẽ tăng sự cạnh tranh lên và đương nhiên để duy trì vị thế trong thị trường thì không thể nhàn hạ, dễ dàng được nữa.

Đặc biệt là khi khởi nghiệp từ nguồn vốn nhỏ, những thách thức, khối lượng, áp lực công việc lại càng khổng lồ hơn so với người đi làm công ăn lương. Khi khởi nghiệp thì chính bạn là người phải đứng ra giải quyết tất cả các vấn đề nan giải về mọi mặt của công ty. Chính vì vậy để trụ vững trong thị trường, phát triển từ một Start-up thành một công ty vững bền, có doanh thu, lợi nhuận ổn định, phát triển đều đặn thì đòi hỏi bạn càng phải có tư duy đột phá, nhanh nhạy, sáng tạo, hành động quyết liệt, phản ứng và thích nghi tốt với thị trường. Và đương nhiên thời gian bạn dành cho gia đình, cha mẹ, con cái sẽ có thể phải giảm bớt, ít nhất là trong thời gian đầu đầy gay cấn. Và chắc chắn bạn sẽ phải nhận không ít lời than phiền, lo buồn, trách móc, cản ngăn từ những người yêu thương bạn nhất và bạn cũng thương họ rất nhiều. Vậy bạn có thể vượt qua, thu xếp, chăm lo cho tất cả những người thân của mình không?

Cuộc chiến với các cộng sự

Cộng sự chắc chắn là những người đồng chí hướng, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi thậm chí nếm mật nằm gai cùng bạn thì họ mới quyết định dấn thân cùng bạn khởi nghiệp với số vốn nhỏ để theo đuổi những lý tưởng, xây dựng những ước mơ to lớn thành sự thật. Tuy nhiên những ý kiến trái chiều, nghi ngại, mâu thuẫn, tranh giành lợi ích xảy ra giữa bạn và các cộng sự (người đồng sáng lập, nhà đầu tư, các đại lý, nhân sự nội bộ trong công ty) sẽ xảy ra. Như vậy bạn có thể kiên định và thắng được lòng tin, chinh phục được những cộng sự của bạn hay không? Câu trả lời đôi khi là không nhưng không có nghĩa là bạn không thể thành công.

Thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào bạn. Những gì bạn cho là đúng hay sai, dù đó là ý kiến của bạn hay của người khác sẽ quyết định rất lớn kết quả kinh doanh của bạn. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề khác xảy ra giữa cộng sự với nhau như tranh giành lợi ích, quyền lợi, lấy cắp ý tưởng, thậm chí gian lận, phá hoại tài sản. Vì vậy, khi khởi nghiệp với số vốn nhỏ, bạn không thể chỉ dùng tiền để giữ chân người tài và làm vừa lòng tất cả cộng sự (thậm chí ngay cả công ty lớn với số vốn lớn hơn cũng không thể chỉ dựa vào tiền mà có thể làm như vậy). Bạn cần phải có tâm, có tấm lòng tận tụy, thật sự vì lợi ích, sự công bằng của các cộng sự, thường xuyên truyền động lực, ảnh hưởng tích cực, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ họ thường xuyên… mới có thể giúp cho bạn có một chỗ đứng vững chắc trong trái tim và suy nghĩ của các cộng sự. Khi đó những mâu thuẫn sẽ trở nên dễ giải quyết hơn và dù có người không làm việc cho bạn nữa thì sau này họ vẫn sẽ nói tốt về bạn, về công ty bạn, thậm chí giới thiệu những mối quan hệ, cơ hội tốt đến với bạn và công ty. Đó là những phần thưởng rất tuyệt vời và xứng đáng cho sự nỗ lực, chăm sóc chu đáo các cộng sự của bạn.

Cuộc chiến chinh phục khách hàng

Giới kinh doanh hay dùng câu:”Khách hàng là thượng đế.” Chính vì vậy, chinh phục khách hàng trong một nền kinh tế mà các tập đoàn lớn ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng là một vấn đề rất nan giải với người khởi nghiệp, kinh doanh nguồn vốn nhỏ. Sự thua kém về nhiều khía cạnh như cơ sở vật chất, nhân sự, kinh nghiệm, độ phủ sóng thị trường, uy tín, công nghệ, kiến thức thị trường, mối quan hệ… là một số những trở ngại phổ biến cản trở công ty với nguồn vốn nhỏ có thể chăm sóc, cung cấp giá trị cho khách hàng tốt bằng những đối thủ cạnh tranh hùng mạnh khác. Còn khách hàng đương nhiên họ không có nghĩa vụ buộc phải ủng hộ những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng.

Vậy sản phẩm, dịch vụ của công ty của bạn có mang lại sự hài lòng, mãn nguyện để đạt được sự tín nhiệm, trung thành của một lượng khách hàng đủ lớn cho duy trì hoạt động lâu dài của công ty không ? Điểm mạnh của công ty bạn có thể làm được cho khách hàng mà những nơi khác không làm được hay rất khó để làm được là gì? Khách hàng thì đương nhiên là có khách hàng mục tiêu (target) và khách hàng không phải là mục tiêu. Phải tập trung chiếm được tình yêu của những khách hàng mục tiêu của bạn, tận dụng hết thế mạnh trong thị trường ngách của công ty bạn trước khi một đối thủ nào đó giành mất. Hãy nhớ rằng, khách hàng là người trả tiền cho bạn, khách hàng là một trong những đối tượng quan trọng sẽ quyết định công ty bạn tồn tại hay không, và tồn tại như thế nào.

Với sự tiến bộ, phát triển nhanh chóng như ngày nay thì yêu cầu, tiêu chuẩn của khách hàng ngày càng tăng cao, nói cách khác là họ trở nên càng lúc càng khó tính, kén chọn. Sản phẩm, dịch vụ ngày càng dư thừa và giống nhau, có thể thay thế cho nhau, vì vậy hãy dám trở nên độc đáo, khác biệt, tận dụng thế mạnh quy mô nhỏ, dễ thay đổi để nhanh chóng thích ứng, trở nên thú vị và duy nhất trong tầm mắt xanh của khách hàng mà bạn đang phục vụ.

Cuộc chiến với đối thủ cạnh tranh

Đối thủ cạnh tranh là những công ty, doanh nghiệp ở trong cùng ngành nghề, lĩnh vực, thị trường, thậm chí hướng đến cùng đối tượng khách hàng và cung cấp cùng loại sản phẩm, dịch vụ như công ty bạn. Nếu biết khôn khéo thì khi khởi nghiệp với nguồn vốn nhỏ, bạn hãy chọn một thị trường ngách hay “đại dương xanh”, tức là không có hay có rất ít, rất mờ nhạt các đối thủ cạnh tranh để bạn có thể thỏa thích vùng vẫy trong thị trường riêng của mình. Nhưng một điều không thể tránh khỏi là nếu thị trường ngách bạn đang hướng tới mà quá màu mỡ, có tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai thì không ít cá nhân, tổ chức sẽ lao vào thị trường ấy để giành miếng bánh thị phần. Thậm chí có những đối thủ cạnh tranh mà trước đây từng là cộng sự của bạn.

Điều này tạo nên những trở ngại lớn. Vì nếu sản phẩm của bạn mà không có bản quyền, không có nét đặc sắc, ưu điểm, thế mạnh mà không thể hay khó thể sao chép thì chắc chắn đối thủ sẽ không ngần ngại sao chép hầu như toàn bộ từ sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, chuỗi cung ứng, thậm chí qua mời gọi, chiêu mộ cả những nhân sự nòng cốt bên bạn bằng các ưu đãi như lương thưởng, đãi ngộ, những lời hứa hẹn cho tương lai, những thứ mà công ty bạn hiện tại khó lòng đáp ứng được.

Như vậy, bạn phải chiến thắng được bản thân bạn, thắng được sự ủng hộ của người thân, gia đình, thắng được lòng tin, sự yêu mến, ủng hộ của cộng sự và có được sự trung thành của khách hàng thì mới có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn khi phải cạnh tranh với đối thủ mà chắc chắn là không thể tránh khỏi. Nhưng dù vậy, hãy luôn tôn trọng đối thủ cạnh tranh, hãy chơi đẹp, cạnh tranh công bằng. Thậm chí có thể ngỏ ý hợp tác thay vì chỉ sát phạt, tranh giành lẫn nhau, làm phân tán giá trị thương hiệu, nguồn lực, khách hàng. Đối thủ cạnh tranh có thể làm công ty bạn suy yếu đi nhưng chính đối thủ cũng có thể là động lực, nguồn lực, cơ hội để công ty bạn ngày càng đi lên, lớn mạnh, hoàn thiện hơn. Chuyện xảy ra như thế nào là quyết định rất lớn ở bạn – người sáng lập.

Cuộc chiến với nền kinh tế khu vực

Đặc điểm của nền kinh tế khu vực sẽ là khó khăn, thách thức cho công ty với nguồn vốn nhỏ. Trong nền kinh tế khu vực nơi bạn đang kinh doanh có rất nhiều vấn đề cần lưu tâm như thu nhập bình quân, đặc điểm dân cư, ngành nghề phổ biến, thủ tục hành chính, phong tục tập quán… Nếu không nắm bắt, tìm hiểu thị trường rõ ràng thì doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại ngay từ giai đoạn thành lập. Hoặc khi đã dựng nên được công ty thì phải chịu sự cạnh tranh dữ dội từ rất nhiều đối thủ cạnh tranh trong thị trường. Và nếu thất bại thì không phải là trở về tay trắng mà có thể là ôm một khối nợ nần không hề nhỏ.

Chính vì vậy, để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra, hãy khôn ngoan lựa chọn thị trường. Dùng bảng câu hỏi 5W1H (Who – ai, What – cái gì, When – khi nào, Where – ở đâu, Why – tại sao, How – bằng cách nào) để làm minh bạch các khía cạnh, vấn đề để có một nền tảng vững chắc, con đường khôn ngoan, thông thái cho doanh nghiệp với vốn nhỏ của bạn có thể phát triển.

Nếu không thể cạnh tranh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì có thể bắt đầu khởi nghiệp tại các thành phố, tỉnh lẻ. Nếu sản phẩm, dịch vụ không phù hợp với đối tượng khách hàng này thì mau chóng tìm kiếm nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu khác.

Kết luận

Để có thể tồn tại và phát triển, cần sự đấu tranh, nỗ lực không ngừng. Cuộc sống sẽ có lúc khắc nghiệt, nhưng đó là quy luật đào thải, chọn lọc không thể tránh khỏi. Vì vậy, hãy chấp nhận nó và bước vào những cuộc chiến, đấu tranh sinh tồn trong hành trình khởi nghiệp. Sẽ có thành công, sẽ có thất bại, sẽ có đau đớn, sẽ có dịu êm, sẽ có trung thành, sẽ có phản bội, và tất cả những trải nghiệm, dù ít hay nhiều, có thể giúp con người ta ngày càng trưởng thành, mạnh mẽ, khôn ngoan, biết yêu thương và cảm thông hơn. Đấu tranh, mâu thuẫn là không thể tránh khỏi nhưng đó chính là động lực phát triển cần phải có trong các giai đoạn phát triển.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *