Bí quyết tạo mối quan hệ tốt với nhân viên
Nếu bạn tạo được nơi mà mọi người cảm thấy họ đều có một tác động nhất định và cùng chia sẻ thành công chung, họ sẽ bắt đầu lên tiếng, thể hiện quan điểm, chấp nhận lỗi và
Tuy nhiên không dễ để có được điều đó. Các nhân viên thường sẽ bị mất rất nhiều nếu thật lòng chia sẻ những gì họ nghĩ.
James Detert, giáo sư khoa Quản trị của đại học ĐH Johnson Cornell (Mỹ) chuyên nghiên cứu về truyền thông trong môi trường công sở chia sẻ với tờ Harvard Business Review rằng, con người luôn có bản năng tự vệ tự nhiên.
“Chúng ta có một cơ chế phòng vệ vững chắc tạo ra xu hướng cẩn trọng trong giao tiếp với những nhân vật có vị trí quyền lực cao hơn. Đây là lý do vì sao các thông tin bạn nhận được từ những nhân viên dưới quyền thường đã được gạn lọc đi rất nhiều lớp so với điều họ thực sự nghĩ”, James cho biết.
Dưới đây là 4 bước để cấp quản lý có thể tạo ra không gian thoải mái cho các nhân viên bày tỏ suy nghĩ của mình:
1. Tìm hiểu lý do vì sao nhân viên im lặng
Joseph Grenny, đồng sáng lập Công ty đào tạo VitalSmarts phân tích rằng cấp quản lý cần đào sâu văn hóa công ty đang tạo lập để hiểu vì sao nhân viên không bày tỏ ý kiến. “Sự im lặng thường có nghĩa là mọi người đang giữ kẽ”, Grenny nói.
Điểm quan trọng nhất cần xem xét là bạn có thực sự nghiêm túc khi đón nhận các phản hồi của nhân viên không? Mọi người có lý do nào đó để tin rằng những điều họ nói ra không tạo nên tác động gì cả không?
Grenny cho biết một trong những nội dung tập huấn mà VitalSmarts đưa ra là đề nghị các lãnh đạo sắp xếp thời gian cho những cuộc đối thoại một – một và những cuộc thảo luận nhóm mở để trò chuyện sâu với nhân viên của mình.
2. Tạo cơ hội cho sự chân thành
Cửa phòng luôn mở cùng với lời mời mọi người tự do đi vào là bước đột phá đầu tiên nếu bạn muốn cải thiện vấn đề.
Đừng đợi đến khi nhân viên có cảm hứng và gõ cửa phòng bạn, hoặc mời họ đến những buổi đối thoại một – một, hoặc đột ngột hỏi quan điểm của họ trong một cuộc họp nhóm.
Grenny gợi ý cách phù hợp hơn chính là hỏi ý kiến của nhân viên trong những giờ nghỉ trưa, ngoài môi trường công việc quen thuộc.
Điều cấp quản lý cần quan tâm chính là nhận ra những yếu tố nào khác biệt giữa môi trường hội họp thông thường và “môi trường nhân viên cảm thấy an toàn, thoải mái bày tỏ ý kiến”. Chính những yếu tố đó đang ngăn cản nhân viên của bạn bày tỏ ý kiến, Grenny kết luận.
3. Loại bỏ các chủ đề cấm kỵ
Nếu có những chủ đề, vấn đề hay bất kỳ dạng phản hồi nào mà bạn đang cấm không cho nhân viên bày tỏ thì bạn cần thay đổi điều đó.
Hãy thử nói chuyện với cấp quản lý cao hơn và quan sát xem họ ngại đề cập đến điều gì. Bạn sẽ hiểu nhân viên cảm thấy thế nào khi cấp trên khép kín. Từ đó, bạn sẽ chuẩn bị sẵn tinh thần cho những phản hồi thẳng thắn.
“Mọi người cần nhận ra rằng nếu họ sẵn sàng để nói thật mọi thứ, bạn sẽ cố gắng để thay đổi một điều gì đó”, James Detert nhấn mạnh.
4. Gia tăng mức độ tham gia
Nếu nhân viên của bạn không cảm thấy gắn bó với thành công của công ty, họ cũng sẽ không màng đến việc đưa ra những lời phản hồi để cải thiện tình hình.
Nếu bạn tạo được nơi mà mọi người cảm thấy họ đều có một tác động nhất định và cùng chia sẻ thành công chung, họ sẽ bắt đầu lên tiếng, thể hiện quan điểm, chấp nhận lỗi và đưa ra các giải pháp cải thiện tình hình.
Vì vậy, hãy để các nhân viên của bạn nhìn thấy được đóng góp của họ trong lợi nhuận, thành công của công ty thể hiện ở các báo cáo tài chính định kỳ hàng năm. Điều này sẽ giúp duy trì động lực làm việc cho nhân viên của bạn.
Leave a Reply